Chi tiết cấu tạo động cơ không đồng bộ 3 pha

Thứ hai - 17/05/2021 03:30

Chi tiết cấu tạo động cơ không đồng bộ 3 pha

Động cơ không đồng bộ 3 pha có nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, dễ sử dụng, hoạt động tốt nên được ứng dụng phổ biến trong các loại máy móc công nghiệp hiện nay.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn các thông tin chi tiết nhất về cấu tạo động cơ không đồng bộ 3 pha và nguyên lý hoạt động của các thiết bị này nhé!

Động cơ không đồng bộ 3 pha là gì?

Động cơ không đồng bộ 3 pha là loại động cơ điện xoay chiều biến điện năng thành cơ năng, hoạt động theo nguyên lý cảm ứng điện từ với tốc độ quay của roto chậm hơn tốc độ quay của từ trường quay.

Động cơ không đồng bộ 3 pha được sử dụng rất nhiều trong các thiết bị máy móc sản xuất và đời sống nhờ cấu tạo khá đơn giản, dễ vận hành và giá thành khá rẻ so với các loại động cơ khác. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên lý hoạt động và cấu tạo động cơ không đồng bộ 3 pha.

Nguyên lý hoạt động động cơ không đồng bộ 3 pha

Động cơ không đồng bộ 3 pha hoạt động dựa vào hiện tượng cảm ứng điện từ và tác dụng của từ trường quay. Khi dòng điện 3 pha được cung cấp vào đầu cuộn dây của động cơ sẽ làm xuất hiện một từ trường quay xung quanh cuộn dây. Từ trường quay này tác động vào roto (bộ phận cảm ứng của động cơ) tạo ra các dòng điện kín bên trong nó, từ đó xuất hiện các suất điện động và hình thành thành dòng điện cảm ứng.

Lực tương tác giữa từ trường quay và dòng điện cảm ứng sẽ tạo ra mômen quay tác động lên roto làm roto quay theo chiều của từ trường. Tốc độ quay của roto càng gần với tốc độ quay của từ trường thì momen lực từ càng nhỏ. Khi momen lực từ cân bằng với lực ma sát thì roto sẽ quay đều với tốc độ gần bằng tốc độ của từ trường quay.

Cấu tạo động cơ không đồng bộ 3 pha

Cấu tạo động cơ không đồng bộ 3 pha gồm 2 phần chính là Stato (phần cố định) và Roto (phần quay).
 


Cấu tạo Stato

Stato là phần cố định (phần tĩnh) của động cơ, cấu tạo gồm 2 bộ phận là lõi thép và dây quấn. Ngoài ra còn có phần vỏ máy bao bên ngoài.

    Lõi thép của stato có hình trụ, gồm những lá tôn silic dày khoảng 0,35 - 0,5mm được dập rãnh bên trong, gắn lại với nhau.

    Dây quấn của stato là những dây điện từ được quấn bọc cách điện đặt trong các rãnh của lõi thép. Thông thường trong stato có 3 dây quấn khác nhau đặt xen kẽ trong các rãnh. Khi dòng điện 3 pha chạy trong 3 dây quấn của stato sẽ tạo ra từ trường quay tác động lên roto.

    Vỏ máy là phần bao phủ bên ngoài động cơ, có tác dụng bảo vệ máy, giữ chặt lõi thép và giúp máy đứng cố định trên kệ. Vỏ máy thường được làm bằng nhôm (trọng lượng nhẹ) hoặc các tấm thép dày 2mm cuốn thành (giá thành rẻ). Riêng những động cơ có kích thước lớn sẽ có vỏ máy được làm bằng gang để tiện gia công và chịu được chấn động.

Cấu tạo Roto

Một bộ phận quan trọng trong cấu tạo động cơ không đồng bộ 3 pha là Roto. Roto là phần quay của động cơ có cấu tạo gồm lõi thép, dây quấn và trục máy.

    Lõi thép roto cũng được cấu tạo từ những lá thép kỹ thuật điện ghép lại với nhau. Điểm đặc biệt của lõi thép roto là các rãnh được dập ở mặt ngoài và thường được dập nghiêng để giảm thiểu sự chấn động và tiếng ồn. Ở giữa lõi thép có chừa lỗ để lắp trục.

    Dây quấn roto có 2 loại là roto ngắn mạch (roto lồng sóc) và rôto dây quấn.

    Roto lồng sóc thường chứa các thanh đồng (đối với roto lồng sóc công suất lớn) hoặc các thanh nhôm (đối với roto lồng sóc công suất nhỏ) trong các rãnh của lõi thép roto, 2 đầu được nối ngắn mạch. Loại động cơ roto này được dùng phổ biến do giá thành rẻ và chất lượng đảm bảo.

    Roto dây quấn: chứa dây quấn 3 pha trong các rãnh lõi thép roto. Các dây quấn được nối hình sao, các đầu ra nối với các vòng tiếp xúc bằng đồng. Các dây quấn roto cũng có thể nối với các biến trở bên ngoài để khởi động hay điều chỉnh tốc độ động cơ. Tuy vậy, động cơ roto dây quấn thường có giá thành đắt và không ổn định như roto lồng sóc nên chỉ được dùng trong trường hợp động cơ lồng sóc không đáp ứng được yêu cầu về truyền động.

    Trục quay roto: thường được làm bằng thép cacbon 45, 65 hoặc một số loại thép đặc biệt khác để đảm bảo yêu cầu về độ cứng bề mặt, tránh trường hợp trục sinh ra độ cong khi hoạt động sẽ làm phát sinh các sự cố.

Tổng số điểm của bài viết là: 10130 trong 4976 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn